ĐẾN THĂM SECMOL NGÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC THAY THẾ TẠI LADAKH

SECMOL là một ngôi trường giáo dục thay thế nằm trên một ngọn đồi thấp dần xuống ở bờ bắc sông Ấn, gần ngôi làng Phey nằm dọc trên bờ sông. Khuôn viên trường cách Leh khoảng 10 km, về phía nam của đường cao tốc Leh-Kargil.

SECMOL (Students’ Educational and Cultural Movement of Ladakh) hay Phong trào Văn hóa và Giáo dục của Sinh viên Ladakh, là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1988 bởi một nhóm sinh viên Ladakh. Tổ chức này ra đời với sứ mệnh cấp giáo dục chất lượng và thúc đẩy phát triển bền vững ở Ladakh. Thật may mắn vì trước khi đến đây, chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ thân thiện và ấm áp cô Becky, một trong những người đồng sáng lập ở làng Tar trước khi đến SECMOL, điều này đã cung cấp cho chúng tôi một bức tranh tổng thể về ngôi trường thay thế này. Ngày hôm sau, chúng tôi gửi lời chào tạm biệt đầy tha thiết và đầy tình thân tới các gia đình ở làng. Rồi chúng tôi chầm chậm rời làng, để lại ở đó những kỷ niệm đẹp và những mối liên hệ đẹp đẽ với đất với các ama, achey,…

Đường xuống dễ dàng và nhanh hơn chúng tôi tưởng rất nhiều, chúng tôi mất khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ để lên đường và tiếp tục hành trình tham quan SECMOL.

Khi khám phá khuôn viên trường, chúng tôi ngạc nhiên trước môi trường do học sinh vận hành và hệ thống quản trị độc đáo của trường. Ở đây, ngôi trường đã thành lập nên “chính phủ trường học”, một tổ chức ra đời để vận hành ngôi trường mô phỏng lại cấu trúc dân chủ của chính phủ Ấn Độ. Cứ mỗi hai tháng một lần, học sinh ở đây sẽ tổ chức “bầu cử” để chọn ra “chính phủ mới” để tiếp tục công việc.

Ngoài ra, mỗi học sinh có những trách nhiệm riêng biệt, từ việc quản lý các nguồn năng lượng và chăm sóc khu vườn đến nấu ăn cho người khác và tương tác với du khách. Phương pháp thực hành này nhấn mạnh triết lý “học thông qua làm việc” (learning by doing) và thể hiện phương pháp giáo dục toàn diện bao gồm sự phát triển về trí tuệ (head), cảm xúc (heart) và khả năng làm việc tay chân (hand) (3H).

Để hiểu hơn về các hoạt động ở trường, chúng tôi tích cực tham gia vào các hoạt động hàng ngày của học sinh, chẳng hạn như nấu ăn, vắt sữa bò, chăm sóc vườn, trồng cây, học tiếng Anh và hát dân ca Ladakh. Chúng tôi cũng vinh dự được trò chuyện với anh P. Othsal, giám đốc điều hành của SECMOL, cùng với các nhân viên và giáo viên khác ở trường. Thông qua các cuộc thảo luận này, chúng tôi đã biết về hệ thống giáo dục thay thế ở Ladakh và các giải pháp bền vững được triển khai tại SECMOL. Nhân dịp này, chúng tôi cũng đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến giáo dục thay thế: tại sao nó lại có ý nghĩa ở Ladakh nói riêng và giáo dục truyền thống khắp thế giới nói chung; hay mục đích của giáo dục là gì, đơn giản chỉ là học để kiếm việc làm, hay học để trở thành một con người tự do, độc lập và trở thành một công dân có ích trong cộng đồng.

Chúng tôi cũng học hỏi và tư duy lại về nội dung, phương pháp giáo dục và chương trình đào tạo dành cho học sinh. Thay vì chỉ học những môn học không thực sự hữu ích trong đời sống hiện tại của học sinh, SECMOL còn truyền tải những kiến thức thực tiễn trong đời sống, như chăm sóc cây cối và làm vườn, kiến trúc nhà đất bền vững, cách chăm sóc vật nuôi (cụ thể là ngựa và bò), học nấu ăn, học cách giải quyết vấn đề phát sinh trong cuộc sống: sửa đèn khi bị hỏng, sửa ống nước khi bị vỡ. Chúng tôi cũng rất may mắn khi được trải nghiệm ăn tối với các bạn học sinh, mỗi tối, các bạn sẽ có một chương trình cụ thể được điều hành bởi “chính phủ sinh viên”: các bạn ăn cùng nhau, tập thuyết trình, học tiếng Anh, nghe tin tức Ladakh và dành thời gian để nói lời biết ơn, xin lỗi tới những người cùng đồng hành với các bạn hằng ngày. Trong những lúc làm việc hoặc trò chuyện với học sinh ở đây, chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện cá nhân của các bạn, và những thay đổi và chuyển hóa sau một thời gian theo học tại đây.

Thời gian tại SECMOL là một trải nghiệm có tác động sâu sắc và khiến chúng tôi phải đặt ra câu hỏi then chốt: Mục đích thực sự của giáo dục là gì? Nhiều bạn trước đây cho rằng giáo dục đơn thuần là phương tiện để tiếp thu kiến thức và kỹ năng, nhưng thời gian ở SECMOL đã cho chúng tôi thấy rằng giáo dục còn nhiều hơn thế. Đó là giáo dục cần giúp con người phát triển toàn diện về thân, tâm và trí.

Nhờ trải nghiệm này, chúng tôi đã học về tầm quan trọng của học tập trải nghiệm, nơi học sinh học bằng cách thực hành. Chúng tôi cũng học về tầm quan trọng của cộng đồng, nơi học sinh học hỏi lẫn nhau và từ giáo viên của mình. Và chúng tôi đã học về tầm quan trọng của sự bền vững, nơi học sinh học cách sống hài hòa với môi trường.

Thời gian của chúng tôi tại SECMOL đã thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi và suy nghĩ lại về hệ thống giáo dục của mình. Mỗi người tham gia có câu hỏi và những bài học của riêng họ trong suốt chuyến thăm này tại SECMOL.

Share via
Copy link
Powered by Social Snap