CÁCH LÀM NÔNG NGHIỆP TỬ TẾ VÀ BỀN VỮNG Ở LÀNG TAR

Trong những ngày tháng ở Tar, chúng tôi dành rất nhiều thời gian trên những cánh đồng và những mảnh vườn của người dân, nhờ vậy chúng tôi mới có nhiều cơ hội học hỏi và hiểu hơn về triết lí làm nông nghiệp và lối sống xoay quanh việc làm nông của dân làng. Không những vậy, chúng tôi may mắn còn có cơ hội gặp mặt một cụ ông ở làng, là một trong những người lớn tuổi nhất ở đây, để nhờ ông giải đáp những thắc mắc của chúng tôi về cách làm nông nghiệp của người dân.

Một khía cạnh của việc làm nông ở Tar khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng, mà chúng tôi gọi là “nông nghiệp tử tế”. Đối với người dân, họ sẽ hạn chế việc loại bỏ các loại cây hoặc nhổ các loại cây có trong vườn, trên cánh đồng một cách không cần thiết. Thay vào đó, họ chọn để những loài cây này cùng sinh tồn với nhau, mặc dù đó là những loại cây mọc dại. Ở một trong những ngôi nhà của chúng tôi, ama thường hay hái các loại rau dại có trong vườn để nấu những bữa ăn bổ dưỡng và đầy tình yêu thương để đãi mấy đứa cháu như chúng tôi.

Luân canh và xen canh cũng là một trong những yếu tố then chốt trong cách làm nông nghiệp của dân làng. Mục đích của việc này nhằm đảm bảo sự đa dạng trong chế độ ăn uống, cho mảnh đất cơ hội được “nghỉ ngơi” và tái tạo sau một vụ mùa, và quan trọng nhất là giúp bổ sung “chất dinh dưỡng” cho đất. Trên mảnh vườn của cụ ông, chúng tôi thấy rất nhiều loại rau củ, nào là cà chua, khoai tây, lúa mì đến các loại đậu và các loại hạt bản địa. Điều này dẫn đến mảnh vườn của người dân là cả một sự đa dạng ở trong đó.

Bằng việc trồng nhiều loại cây khác nhau, người Ladakh cũng tránh được hiện tượng đất bạc màu, chúng tôi cảm thấy rất thú vị khi biết rằng khi luân canh, mỗi loại cây sẽ hỗ trợ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất, ví dụ trồng đậu giúp bổ sung Ni-tơ có vào đất mà không cần phân bón. Điều này giúp tránh được một vấn đề mà rất nhiều người nông dân hiện nay gặp phải đó là câu chuyện trồng độc canh, dẫn đến đất bạc màu, và nông dân phải dùng phân bón hóa học để kích thích sản lượng cây trồng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

Một trong những lí do để người dân không dùng chất hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ bởi vì người dân ở đây chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Phật giáo Tây Tạng. Do đó họ sẽ hạn chế làm những việc gây hại hoặc giết hại đến các sinh vật khác. Cụ ông cũng có chia sẻ với chúng tôi rằng ở trong đất có rất nhiều vi sinh vật, côn trùng, do đó nếu sử dụng chất hóa học thì họ có thể sẽ giết hại các sinh vật này, là một Phật tử thì đây không phải là một điều đúng đắn để làm.

Để đảm bảo năng suất cây trồng được tối ưu, người dân ở đây sẽ dẫn nước chảy từ những tảng băng từ trên núi cao về ruộng/vườn để tưới cây. Họ thực hiện điều này mỗi 1-2 tháng một lần, bằng cách điều chỉnh các tảng đá để giúp điều hướng dòng nước để dẫn nước khắp cánh đồng. Bằng cách này, dòng nước được dẫn từ nhà này sang nhà khác, rồi cuối cùng tất cả các hộ gia đình đều có nước để tưới chỉ đến từ một nguồn nước.

Ở Ladakh, đây là một vùng sa mạc khô trên núi cao, quanh năm rất lạnh; một mặt nó cũng gây ra những bất tiện trong cuộc sống, nhưng nó cũng là một đặc ân mà người nông dân ở đây cảm thấy may mắn khi có được, đó là ở Ladakh, vì khí hậu và vị trí địa lý đặc thù, nên ở đây không có các loại sâu hại hay côn trùng phá hoại mùa màn như những khu vực nhiệt đới giống như ở Việt Nam hay Thái Lan, cụ ông chia sẻ với chúng tôi khi dắt chúng tôi đi quanh khu vườn của mình.

Lưu giữ hạt giống là một chiếc lược cốt lõi và là nguyên tắc cực kì quan trọng khi làm nông của người dân ở đây. Sau mỗi vụ mùa, người nông dân sẽ giữ lại khoảng 10% số lượng hạt giống để gieo trồng cho vụ mùa tiếp theo. Điều này giúp họ tự chủ trong việc trồng trọt.

Bằng cách học hỏi và quan sát lối sống của người dân ở đây, chúng tôi nhận thấy rằng nông nghiệp ở Ladakh là một hệ thống kết nối lẫn nhau, mà ở đó việc làm nông sẽ phù hợp với nhu cầu của cộng đồng, thích nghi với môi trường địa phương, đồng thời cố gắng để đảm bảo được sự bền vững và sự cân bằng.

Share via
Copy link
Powered by Social Snap